Tin tức
INDUSTRIE 4.0 AWARDS - 2023 I4.0 AWARDS

Doanh nghiệp sẽ sống sót như thế nào trong cuộc CMCN lần thứ tư?

Mọi tổ chức đều cần thích ứng với những đột phá diễn ra trong ngành của mình. Các công nghệ theo cấp số nhân đang thay đổi thế giới và cách chúng ta kinh doanh. Đây có thể vừa được coi là thách thức, nhưng cũng vừa là cơ hội. Một loại hình kinh doanh mới đang nổi lên thành công trong thời đại này: Các tổ chức theo cấp số nhân (Exponential Organizations – ExOs). Bây giờ là lúc phải hành động!

Chào mừng bạn đến với sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nơi bạn vẫn có cơ hội sống sót – hay thậm chí tốt hơn nữa, nhân lúc này đây, bạn có thể tận dụng cơ hội để đột phá trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.

Cuộc cách mạng mới này đang tập hợp hơn 20 công nghệ theo cấp số nhân cùng một lúc, như: Trí tuệ nhân tạo, Robotics, In 3D, Máy bay không người lái, Công nghệ sinh học và nhiều công nghệ khác. Sự phát triển và khả năng ứng dụng của các công nghệ này có ba ý nghĩa chính đối với các doanh nghiệp:

1. Khả năng tiếp cận tới công nghệ được phổ cập: bất kỳ ai cũng có thể đột phá ngành của bạn!

Chúng ta đang sống trong thời đại mà những thành tựu trước kia các quốc gia mới đạt được, thì giờ đây đều có thể được thực hiện bởi các tổ chức, và những thành tựu từng một thời phải cần đến các tổ chức mới làm được, thì giờ đây những cá nhân cũng có thể có thành tích tương tự. Ví dụ, cậu bé 14 tuổi Jack Andraka, người đã tìm ra một phương pháp mới để phát hiện giai đoạn sớm của ung thư tuyến tụy chỉ bằng cách nghiên cứu Google. Phương pháp mới này rẻ hơn hàng nghìn lần và chính xác hơn 90% so với các phương pháp trước đây. Một ví dụ tuyệt vời khác là Danit Peleg, một sinh viên 20 tuổi, người đã tự tạo ra cho mình bộ sưu tập thời trang riêng tại nhà nhờ công nghệ in 3D. Bây giờ cô ấy đang trình diễn các thiết kế của mình tại các chương trình thời trang quốc tế và phá vỡ toàn bộ ngành công nghiệp này.

2. Tất cả các ngành công nghiệp sẽ bị đột phá: vượt lên trên cả chuyển đổi số!

Do quá trình số hóa và khả năng tiếp cận các công nghệ theo cấp số nhân là trên phạm vi toàn cầu, tất cả các ngành công nghiệp đang chuyển từ mô hình kinh doanh dựa trên sự khan hiếm sang mô hình kinh doanh dựa trên sự dồi dào. Đây là lý do tại sao các công ty truyền thống trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn (dựa trên việc cho thuê một số lượng phòng hạn chế) đang bị đột phá bởi Airbnb (dựa trên việc cho thuê một số lượng phòng không giới hạn, mà không sở hữu bất kỳ phòng nào trong số đó); hoặc tại sao các công ty mới nổi về thời trang in 3D có thể cung cấp cho chúng ta một số lượng không giới hạn các thiết kế và quần áo. Đây không chỉ là việc số hóa doanh nghiệp của bạn, mà nó còn là việc tiếp cận với nguồn lực dồi dào bằng cách tận dụng các công nghệ theo cấp số nhân, và thông qua những mô hình kinh doanh mới đột phá. Như Peter Diamandis, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất có tên “Sự dồi dào (Abundance)”, cho biết: “Hoặc là bạn tự đột phá công ty của chính mình, hoặc là bạn để người khác đột phá nó”.

3. Xuất hiện một giống loài tổ chức mới: thời đại của các tổ chức theo cấp số nhân!  

Câu nói của David Rose có lẽ không thể đúng hơn được nữa: “Bất kỳ công ty nào được thiết kế để thành công trong thế kỷ thứ 20 thì đều sẽ gánh chịu thất bại trong thế kỷ thứ 21”.

Bằng việc sử dụng kỹ thuật mới về tổ chức và tận dụng các công nghệ theo cấp số nhân, một loại tổ chức mới đã xuất hiện và đứng dậy thống trị các ngành công nghiệp trên thế giới, có khả năng tăng trưởng gấp 10 lần so với các công ty cùng ngành. Được mổ xẻ và mô tả bởi Salim Ismail trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, Tổ chức theo cấp số nhân (Exponential Organizations). Đây là cuốn sách mà các công ty hàng đầu thế giới bắt buộc phải đọc và được mệnh danh là Top 5 cuốn sách kinh doanh hàng đầu của Fortune. Một số ví dụ về Các tổ chức theo cấp số nhân (ExOs) là Airbnb, là doanh nghiệp bắt nối với nguồn tài nguyên dồi dào là nơi ở và hiện là chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới mà không sở hữu bất kỳ một phòng hay một tòa nhà nào; Instagram, doanh nghiệp bắt nối với nguồn tài nguyên dồi dào là các bức ảnh, hiện là công ty ảnh có giá trị nhất mà không hề sản xuất hay bán máy ảnh; Netflix, doanh nghiệp bắt nối với nguồn tài nguyên dồi dào là nội dung số, hiện đang là mạng truyền hình phát triển nhanh nhất mà không có dây cáp; và Uber, doanh nghiệp bắt nối với nguồn tài nguyên dồi dào là các tài xế lái xe, và hiện là công ty taxi lớn nhất, không sở hữu một chiếc xe nào. Không một công ty nào trong số này từng tồn tại cách đây mười lăm năm.

Vậy, giải pháp để tồn tại trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là gì?

Hoặc là trở thành một Tổ chức theo cấp số nhân (ExO), hoặc là điều chỉnh doanh nghiệp hiện tại của mình theo các nguyên tắc của một ExO. Đó là chìa khóa để vượt qua những đột phá đến từ bên ngoài và để có khả năng tăng trưởng như các ExOs, là các tổ chức có thể sẽ xuất hiện trong ngành của bạn.

Tuy nhiên, mặc dù chúng ta biết hướng đi cho tổ chức của mình, nhưng thách thức lớn nhất đối với các tổ chức của chúng ta là hệ miễn dịch của nó luôn tấn công mọi đổi mới. Có nhiều phương pháp đổi mới rất tốt, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, không phương pháp nào trong đó giải quyết vấn đề về hệ miễn dịch. Ví dụ, việc áp dụng Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) hoặc Thiết kế Tư duy (Design Thinking) là những cách rất tuyệt vời để tìm ra các đề xuất giá trị mới phù hợp với nhu cầu thị trường, nhưng những phương pháp này không thể ngăn chặn việc hệ thống miễn dịch của tổ chức giết chết những ý tưởng mới.

Ba nguyên tắc chính để giải quyết vấn đề về hệ miễn dịch trong quá trình chuyển đổi là:

1. Có được sự hỗ trợ từ cấp trên: Hãy đánh thức họ!

Mặc dù các ý tưởng sáng tạo có thể (và thực sự là nên) đi theo cách tiếp cận từ dưới lên, nhưng không có quá trình chuyển đổi nào thành công được mà không có sự hỗ trợ hết mình từ phía lãnh đạo công ty. Những cuộc nói chuyện khơi gợi cảm hứng, những cuốn sách hay và các buổi hội thảo về công nghệ theo cấp số nhân và những đột phá sẽ là chìa khóa để tăng nhận thức về đột phá ngành. Tất cả phụ thuộc vào bạn để gieo hạt giống này và giúp công ty bạn nắm lấy quá trình chuyển đổi.

2. Hãy tự mình làm: hãy giữ nguyên ADN của tổ chức bạn!

Các tổ chức truyền thống thường tìm kiếm sự trợ giúp từ các công ty tư vấn cho các sáng kiến và ý tưởng về đổi mới. Tuy nhiên, khi đến giai đoạn đề xuất, thì công ty mẹ sẽ luôn tìm cách chống lại (đây là vấn đề của hệ thống miễn dịch!).

Một số tổ chức truyền thống lớn cũng cố gắng hợp tác hoặc mua lại các công ty khởi nghiệp từ bên ngoài, tuy nhiên, một khi được tích hợp vào hoạt động kinh doanh chính, lại nảy sinh các vấn đề (lại là hệ miễn dịch!).

Cách tiếp cận tốt nhất là đào tạo một nhóm trong nội bộ công ty để xây dựng và phát triển các sáng kiến cải tiến. Việc này sẽ giúp cho ADN của công ty được duy trì, tạo ra một quá trình hợp tác hài hòa trong tương lai. Nếu cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, hãy tìm kiếm các công ty tư vấn mà họ có thể cung cấp dịch vụ theo hướng huấn luyện (coaching), giúp các đội nhóm nội bộ công ty tự đưa ra các sáng kiến ý tưởng sau khi được hướng dẫn, huấn luyện từ bên ngoài.

3. Cân bằng giữa chuyển đổi và rủi ro: Hãy đặt những đột phá sang bên cạnh!

Nào, ta hãy thẳng thắn đối mặt với nó, việc chuyển đổi một tổ chức hiện tại sang một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới và đột phá là gần như không thể. Thích nghi là cách tiếp cận tốt nhất và bạn có thể bắt đầu bằng cách thực hiện đổi mới dần dần. Việc này sẽ đưa tổ chức của bạn vào một sân chơi tương đương với môi trường đột phá hiện tại. Ví dụ: các nhà sản xuất ô tô có thể khái niệm hóa các phương tiện theo xu hướng kinh tế chia sẻ, cung cấp các kết nối và API cho Uber, Blablacar, Getaround, v.v. Song song với các đổi mới bên trong, chúng ta vẫn muốn xây dựng và ra mắt các mô hình kinh doanh đột phá, nhưng chúng ta sẽ làm điều này bên rìa của tổ chức mẹ, tránh xa hệ thống miễn dịch, tránh xa những can thiệp và những hạn chế từ nó. Và một khi các mô hình kinh doanh mới này thành công, hãy cứ để chúng phát triển bên rìa công ty mẹ thay vì kéo chúng lại (nếu không, hệ thống miễn dịch lại sẽ tấn công chúng!).

Vậy làm như thế nào?

Vài năm trước, Salim Ismail và tôi đã thiết kế một quy trình 10 tuần có tên là Chương trình tăng tốc để chuyển đổi theo cấp số nhân (ExO Sprint) để giúp các tổ chức khắc phục vấn đề về hệ thống miễn dịch bằng cách đẩy tư duy của tổ chức lên ba năm chỉ trong mười tuần, để biến doanh nghiệp thành một Tổ chức theo cấp số nhân. Kể từ đó, chúng tôi đã triển khai ExO Sprint tại một số tổ chức trên thế giới với sự trợ giúp của OpenExO, một hệ sinh thái chuyển đổi toàn cầu với hơn 3.500 chuyên gia ExO tại hơn 100 quốc gia. Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định mở mã nguồn phương pháp ExO Sprint trong cuốn cẩm nang Chuyển đổi theo cấp số nhân.

Áp dụng các nguyên tắc này cho phép các tổ chức không chỉ tự thích nghi với những đột phá của ngành mà còn tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh mới ở bên rìa của tổ chức, mà chúng có thể dẫn đầu và biến đổi toàn bộ ngành. Trên thực tế, hầu hết các tổ chức luôn nghĩ  cách để bảo vệ mình khỏi các đối thủ cạnh tranh mới nổi hay khỏi Google, Amazon, v.v. Nhưng cách tiếp cận này khá rủi ro, vì toàn bộ ngành của bạn có thể sẽ bị phá vỡ hoàn toàn (vì vậy chúng ta cũng sẽ không còn chỗ ở trong đó nữa ). Thay vào đó, những gì mà các tổ chức nên làm là bắt đầu từ vị trí hiện tại của mình để phá vỡ không chỉ các ngành công nghiệp của họ mà cả các ngành khác.

Vấn đề mấu chốt ở đây là về chuyển đổi tư duy của nhân sự, và sau đó họ sẽ chuyển đổi tổ chức, có thể là chuyển đổi toàn bộ ngành.

Nguồn: Francisco Palao Reines, đồng tác giả cuốn Cẩm nang

Exponential Transformation