Tin tức
INDUSTRIE 4.0 AWARDS - 2023 I4.0 AWARDS

Thực trạng chuyển đổi số hôm nay

Ngày nay, chuyển đổi số đang diễn ra khắp nơi. Nó là một trong những thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất trong vài năm qua. Thử google cụm từ “chuyển đổi số” và xem bạn nhận được bao nhiêu kết quả. (Tôi thấy 253 triệu kết quả). Kết quả cho cụm từ “Top 10 xu hướng chuyển đổi số” thì nhiều vô kể. Chỉ riêng trong năm 2017, hơn 20 hội nghị chuyển đổi số được tổ chức, chưa kể vô số các hội nghị bàn tròn, các diễn đàn và triển lãm kỹ thuật số diễn ra khắp nơi. Chuyển đổi số  đang là chủ đề thảo luận trong mọi nhóm đối tượng, bao gồm đội ngũ lãnh đạo điều hành tại các doanh nghiệp, các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và giới học thuật.

Một rừng thuật ngữ khiến chuyển đổi số khó hiểu hơn

Chuyển đổi số cũng mang nhiều danh xưng khác nhau. Có lẽ quen thuộc nhất vẫn là cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Các cuộc cách mạng trước diễn ra khi các công nghệ sáng tạo như: động cơ hơi nước, điện, máy tính, mạng Internet được áp dụng ở quy mô lớn và lan tỏa khắp hệ sinh thái. Chúng ta đang tới gần một điểm bùng phát tương tự, nơi mà điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT và AI hội tụ và thúc đẩy các hiệu ứng mạng lưới, dẫn đến những thay đổi theo cấp số nhân.12

Một số người lại đề cập đến chuyển đổi số như “Thời đại máy móc thứ hai”. Các giáo sư của MIT là Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee lập luận rằng điểm mấu chốt của thời đại máy móc này nằm ở máy tính, cách mà nó có thể tự học ngày nay thay vì chỉ làm theo các hướng dẫn được mã hóa như trước đây. Khả năng này được dự báo sẽ có tác động rất lớn đến thế giới. Máy tính sẽ chẩn đoán bệnh tật, lái xe, dự báo những gián đoạn trong chuỗi cung ứng, chăm sóc người già, nói chuyện với con người, danh sách này còn tiếp tục dài thêm, bao hàm cả những khả năng mà chúng ta chưa từng nghĩ đến. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên cho phép con người làm chủ sức mạnh cơ học. Trong cuộc cách mạng công nghiệp gần nhất, chúng ta khai thác sức mạnh của năng lượng điện. Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chúng ta sẽ làm chủ sức mạnh trí óc.13

Thế giới doanh nghiệp đang lặp lại trạng thái cân bằng đứt quãng của tự nhiên

Điều này đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng đứt quãng. Như trong thuyết tiến hóa, những thời kỳ ổn định kinh tế bỗng nhiên bị phá vỡ, hầu như không được báo trước, và toàn bộ cục diện bị thay đổi. Sự khác biệt chính trong làn sóng này chính là tốc độ mà mọi việc diễn ra. Năm 1958, thời gian trung bình của các công ty lọt vào danh sách S&P 500 là hơn 60 năm. Đến năm 2012, nó đã giảm xuống dưới 20 năm.14 Những công ty một thời là các biểu tượng như Kodak, Radio Shack, GM, Toys R Us, Sears và GE đã bị phá vỡ rất nhanh và văng ra khỏi danh sách S&P 500. Chuyển đổi số sẽ còn đẩy nhanh hơn nữa tốc độ gián đoạn, phá vỡ ở nhiều ngành công nghiệp.

Chính những áp lực của sáng tạo đột phá cũng khiến chuyển đổi số đang nhanh chóng trở thành trọng tâm của thế giới doanh nghiệp, là chủ đề thảo luận sôi nổi ở các phòng hội đồng quản trị, hội nghị ngành, hay được đề cập trong các báo cáo thường niên của doanh nghiệp. Economist Intelligence Unit gần đây nhận thấy có 40 phần trăm các CEO đặt chuyển đổi số vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội đồng quản trị.15 Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một khuôn mẫu chung giúp các CEO tư duy đúng về chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp phải trải qua quá trình thay đổi căn bản về tổ chức và văn hóa

Các nhà lãnh đạo tập trung vào chuyển đổi số hiểu rằng để tồn tại, doanh nghiệp của họ sẽ phải trải qua một quá trình thay đổi căn bản. Và họ đang chủ động ứng xử với sự thay đổi đó.

Ví dụ như giám đốc điều hành của Ford, Jim Hackett mới đây tuyên bố: “Ford sẽ chuẩn bị đối diện với sự gián đoạn, đột phá trong ngành bằng cách tự điều chỉnh mình để thích ứng. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta vừa bước vào giai đoạn của sự phá vỡ (disruption), các bạn đều biết điều đó… Nó được nhắc đến khá nhiều, nhưng không hề dễ hiểu. Nó giống như một tên trộm trong đêm mà bạn không hề mong đợi, nhưng nó có thể đánh cắp sinh kế của bạn. Và nó cũng không chờ các doanh nghiệp có thời gian căn chỉnh lại để đối diện với nó”.16

Hoặc hãy lắng nghe những gì Mark Parker, Giám đốc điều hành của Nike nói: “Được thúc đẩy bởi một sự chuyển đổi trong kinh doanh, chúng tôi đang chớp lấy các cơ hội tăng trưởng thông qua đổi mới sáng tạo, tốc độ và kỹ thuật số để đẩy nhanh sự tăng trưởng dài hạn, bền vững và có thể sinh lời”17.

Nhưng một số người khác lại có quan điểm hẹp hơn – đơn giản coi chuyển đổi số như những khoản đầu tư tiếp theo vào CNTT, hoặc làn sóng số hóa tiếp theo. Ví dụ, một số lãnh đạo điều hành chỉ xem nó như là sự thay đổi cần thiết trong tương tác với khách hàng. Một cuộc khảo sát của IBM Research vào đầu năm 2018 cho thấy “68% các giám đốc trong đội ngũ điều hành kỳ vọng các tổ chức tập trung vào trải nghiệm của khách hàng đối với các sản phẩm”. Khi được hỏi là những nguồn lực bên ngoài nào sẽ tác động đến họ nhiều nhất, những thay đổi về sở thích của khách hàng được các giám đốc điều hành nhắc đến đầu tiên.21 Quan điểm hẹp này không đầy đủ và khá nguy hiểm.

Nhận thức của nhiều CEO về chuyển đổi số ở mức đáng báo động

Thậm chí còn đáng báo động hơn khi một số CEO chỉ đơn giản là không hiểu được vấn đề. Trong khi họ có thể nhận ra chuyển đổi số là gì, họ lại chưa thấy nó cấp bách. Một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng một phần ba các lãnh đạo cấp điều hành đánh giá chuyển đổi số tạo ra tác động rất nhỏ hoặc không có ảnh hưởng gì đến ngành của họ, và gần như một nửa trong số họ thì cảm thấy không việc gì phải vội thay đổi.22 Họ vừa không nhìn ra một sự thay đổi lớn đang đến gần vừa không nhận thức được là chuyển đổi số sẽ tới nhanh và bao trùm như thế nào.

Có thể hiểu được vì sao một số CEO xem chuyển đổi số như một rủi ro căn bản đối với doanh nghiệp của họ. Quy mô không thể đảm bảo cho sự ổn định hay tuổi thọ của doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp lớn không tiến hóa, chúng có thể bị thay thế bởi những công ty mới nổi, nhỏ và linh hoạt hơn. Giám đốc điều hành của JP Morgan Chase, Jamie Dimon, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong báo cáo thường niên của công ty năm 2014: “Thung lũng Silicon đang đến. Có hàng trăm công ty khởi nghiệp với rất nhiều cái đầu sừng sỏ và ngân sách rủng rỉnh đang xây dựng nhiều phương án thay thế cho các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Những công ty được biết đến nhiều nằm ở mảng tín dụng, nơi mà các công ty có thể cho các cá nhân hay các công ty nhỏ vay tiền một cách nhanh chóng và hiệu quả, như họ tin tưởng, bằng cách sử dụng dữ liệu lớn để tăng cường bảo lãnh tín dụng.”23 Ông đang khởi động cho việc thiết lập một cơ sở với quy mô 1.000 nhân viên ở Palo Alto tập trung vào chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech.

John Chambers, trong một bài phát biểu nhân dịp ông kết thúc hai thập kỷ nắm giữ liên tục vai trò Giám đốc điều hành và Chủ tịch của mình tại Cisco, đã đưa ra dự báo như sau: “Rất đáng tiếc trong 10 năm nữa, bốn mươi phần trăm các doanh nghiệp có mặt trong căn phòng này hôm nay sẽ không thực sự tồn tại nữa. Nếu tôi không làm quý vị toát mồ hôi, thì tôi sẽ toát mồ hôi.”24

Nguồn: Digital Transformation, Thomas Siebel (2018)

Phạm Anh Tuấn tổng hợp